Báo VietNamNet giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển Kinh tế số và Xã hội số được tổ chức lần thứ 2 tại Bình Dương, ngày 14/11.

Diễn đàn Quốc gia về phát triển Kinh tế số và Xã hội số được tổ chức lần thứ 2 tại Bình Dương, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.

W-Bo truong Nguyen Manh Hung.jpeg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Ứng dụng công nghệ mới là khởi đầu của sáng tạo công nghệ mới. Ảnh: Đào Phương

Năm nay cũng là năm thứ 3, Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về Phát triển kinh tế số và xã hội số. Chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6%. Và chúng ta sẽ đạt 20% vào năm 2025, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tư tưởng chính của Diễn đàn năm nay tập trung vào 2 định hướng, là phát triển kinh tế số (KTS) bằng thúc đẩy cả cung và cầu về KTS, và chương trình hành động của Bộ TT&TT với các bộ ngành để thúc đẩy phát triển KTS các ngành, các lĩnh vực.

Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, các lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động là chủ đề chính của Diễn đàn năm nay. Chúng ta sẽ bàn các nội dung về kích cung cho KTS thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp; Kích cầu cho KTS thông qua kích cầu tiêu dùng số; Đo lường KTS các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển KTS; Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) và phát triển KTS; Thúc đẩy sản xuất thông minh; Phát huy vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn trong chuyển đổi số (CĐS); Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ CĐS; Phát triển KTS xanh và bền vững.

Hiện nay, KTS các ngành mới chiếm 40% KTS. 60% là thuộc về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Nhưng về lâu dài, KTS các ngành phải chiếm tỷ trọng 70-80% trong KTS. Phát triển KTS các ngành là câu chuyện chính của KTS Việt Nam.